Xử lý trách nhiệm như thế nào trong các dự án kinh doanh thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước?

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc, còn Vinachem chỉ trả lãi và phí.
Mặc dù có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc nhưng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ “trả nợ thay” trong khi không đưa ra được phương án để tái cơ cấu hoạt động cho hiệu quả.
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170704/lo-nghin-ti-dam-ninh-binh-xin-chinh-phu-tra-no-thay/1343029.html
Đọc những dòng tin như trên, có lẽ dân chúng sẽ rất tức giận.
Nhưng việc xử lý có dễ không? Có phải cứ bắt tù là đúng? Khởi tố là xong?

Biện pháp mạnh nhất có thể làm là: Cách chức Giám đốc điều hành!?

Với bất kỳ người làm kinh doanh nào đều hiểu rằng: thực tế luôn không đúng theo kế hoạch.
Mà kế hoạch lập ra thì lúc nào cũng phải đẹp, phải lãi thì người ta mới làm.
Nhưng khi thực tế xấu hơn kế hoạch nhiều, doanh nghiệp thua lỗ thì chủ doanh nghiệp (cổ đông, người góp vốn) sẽ xử lý người đứng đầu (Giám đốc) nhưng thế nào?
  1. Nếu không có hành vi lạm quyền, vi phạm pháp luật trong chi tiêu, đầu tư thì biện pháp mạnh nhất là cách chức do quản lý kém
  2. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì có thể khởi tố điều tra
Nhưng với các sếp của doanh nghiệp nhà nước, khi doanh nghiệp thua lỗ, người ta sẽ cho rằng: "Như vậy là làm mất tiền của dân, phải vào tù!". Đó chỉ là phát biểu mang tính cảm xúc, không đúng với các nguyên tắc pháp lý.
Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao doanh nghiệp nhà nước lại dễ lỗ và lỗ to hàng ngàn tỉ, còn doanh nghiệp tư nhân lại hiếm khi bị lỗ như vậy?".
Vấn đề là: "Tiền của ai?"
Nếu là tiền của mình, ít giám đốc nào dám chơi cuộc chơi rủi ro cao, lỗ hàng ngàn tỉ đồng mà xác xuất thành công thấp. Nếu có dám chơi thì đó phải là 1 sản phẩm, 1 ngành đột phá. Đồng thời họ sẽ huy động vốn cổ phần của cộng đồng để chia sẻ rủi ro, đồng thời cũng là cộng hợp thêm nhiều sức mạnh khác cho dự án.
Nhưng nếu không phải là tiền của mình, mà cơ chế giám sát không chặt chẽ, thì kể cả với ý thức cao, không vi phạm pháp luật, các giám đốc điều hành cũng sẽ dám chơi rủi ro cao hơn. Có mất thì cũng không phải của mình, và tệ lắm là mình mất chức nhưng lại được bài học lớn, chơi cuộc chơi lớn.... cũng sướng rồi. 

Làm thế nào để giảm trường hợp tương tự?

1. Xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước
Trong chương trình đào tạo Quản lý nhà nước về kinh tế, có một đoạn trích mang tính nguyên tắc Quản lý nhà nước mà tôi tâm đắc: 
Nhà nước chỉ làm cái mà dân không thể làm
Nhà nước làm mẫu cái mà dân chưa dám làm rồi bàn giao lại
Nhà nước hướng dẫn cho dân cái dân chưa biết làm
Nhà nước không làm cái dân có thể làm
Việc kinh doanh nhìn chung là những cái dân có thể làm. Hãy để cho dân làm!
Dân thiếu vốn, họ sẽ phải thuyết phục ngân hàng cho vay

2. Hỗ trợ không chi phối
Nếu Nhà nước muốn hỗ trợ các ngành kinh tế đòi hỏi vốn lớn, làm thế mạnh cho kinh tế quốc gia, Nhà nước có nhiều lựa chọn để hỗ trợ mà không nhất thiết phải dùng đến biện pháp đầu tư chi phối (doanh nghiệp nhà nước)
Các biện pháp có thể lựa chọn là:
  • Hỗ trợ lãi suất ngân hàng (hỗ trợ chứ không phải bảo lãnh vay). Với các dự án đầu tư lớn, đầu tư dài hạn mới sinh lợi thì khoản lãi ngân hàng là khoản rất lớn trong chi phí kinh doanh. Nhưng chủ đầu tư tư nhân vẫn chịu trách nhiệm với khoản vay gốc và ngân hàng cũng chịu trách nhiệm giám sát thì rủi ro sẽ thấp hơn cơ chế quản lý của doanh nghiệp nhà nước hiện tại.
  • Đầu tư thông qua Quỹ đầu tư tư nhân: Nhà nước góp vốn với tỉ lệ thấp vào các quỹ đầu tư tư nhân, đặc biệt là các quỹ đầu tư vào các ngành kinh tế cần đẩy mạnh phát triển. Thông qua đó, đội ngũ quản lý các quỹ sẽ có sự lựa chọn, chiến lược đầu tư và giám sát các khoản đầu tư hiệu quả hơn. Do tiền của họ (tư nhân) vẫn là tiền chính mang đi đầu tư
  • Trường hợp Nhà nước muốn khoản tiền nhàn rỗi trong ngân sách có khả năng sinh lợi, thì các quỹ đầu tư cũng là lựa chọn hợp lý. Nhưng trường hợp đó, Nhà nước đầu tư vào các quỹ đầu tư đã có hiệu quả cao. 
Tóm lại: "Đồng tiền đi liền khúc ruột", dùng đồng tiền không phải là tiền của mình thì chắc chắn tinh thần trách nhiệm sẽ không thể cao bằng dùng tiền của mình. 
Nhà nước cần tập trung làm những việc: DÂN KHÔNG THỂ LÀM 




Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.