Ảo danh và tuổi trẻ

Nhân đọc bài viết "Gần 98% SV muốn trở thành lãnh đạo" tôi thấy vui vì anh em trẻ chúng ta có mục tiêu. Nhưng cũng lo lắng bởi nhiều trong số các bạn trẻ chúng ta mới chỉ cảm thấy thích thôi chứ chưa có căn cứ cụ thể. thế nên khi có một chức danh lãnh đạo, các bạn bị ảo danh lấn át. Điều này dẫn tới những hệ quả không mấy tốt đẹp với cá nhân và tổ chức các bạn lãnh đạo


Làm thế nào để xác định mục tiêu của mình đúng đắn hay không? Làm thế nào để không rơi vào tình trạng ảo danh? Xin được chia sẻ với các bạn vài câu chuyện sau đây, mong rằng nó sẽ có ích cho chúng ta

Câu chuyện thứ nhất - Tôi là Cán bộ nguồn!
Cuối năm thứ 4 đại học, khi ấy tôi không còn công tác trong Hội sinh viên trường như trước - Trước đó tôi là Phó chủ tịch Hội sinh viên ĐH KTQD - nhưng sự quan tâm của tôi đến công tác Hội sinh viên thì chưa hề khác. Tôi vẫn sát các em cán bộ Hội khóa sau trong mọi hoạt động.
Trường Đại học kinh tế quốc dân là một trường Đại học lớn và hoạt động phong trào sinh viên rất mạnh mẽ từ văn nghệ đến thể thao, từ chuyên môn đến các hoạt động xã hội. Số lượng các tổ đội, CLB, tình nguyện nhiều như nấm sau mưa và rất nhiều các em sinh viên là tinh hoa của các trường phổ thông khi nhập học mong muốn khẳng định tên tuổi của mình trong phong trào sinh viên trường. Ban giám hiệu nhà trường cũng rất cởi mở trong các hoạt động, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao trong khuôn phép có thể.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ nguồn sinh viên tốt, sự ủng hộ của nhà trường là nguyên nhân chủ quan từ chính sách phát triển cán bộ của Hội sinh viên được duy trì quan nhiều thời kỳ cán bộ Hội sinh viên trường. Mỗi khóa mới vào trường, Ban chấp hành Hội sinh viên đều có động tác tiếp nhận Hội viên mới, tuyển chọn những nhân tố tích cực, có kinh nghiệm hoặc có tố chất tốt cho hoạt động Hội. Một số trong các em tân sinh viên được chọn vào một nhóm gọi là CÁN BỘ NGUỒN. Từ đây phát sinh ra nhiều tài năng cho phong trào Hội sinh viên của trường và cũng là nơi nhiều tài năng tự chôn vùi chính mình vì ảo danh.
My là một cô bé năng nổ, hoạt bát, có tư duy tổ chức tốt và rất có phong cách của 1 cán bộ phong trào. Tôi biết em qua sự giới thiệu của các cán bộ Hội đương nhiệm lúc đấy, quan sát cách em tham gia các hoạt động tôi có phần lo lắng vì thái độ "tôi là lãnh đạo" và ảo danh "CÁN BỘ NGUỒN" mà em đang khoác trên vai.
Lần hội trại năm đó, nhóm cán bộ Nguồn của Hội sinh viên được phân công làm sân khấu cho đêm văn nghệ, tôi quan sát các em từ đầu giờ sáng cho đến 5h chiều (trước khi chương trình văn nghệ bắt đầu 2 tiếng), sân khấu vẫn chưa dựng xong, phông chưa có, và có mấy em Cán bộ Nguồn đang chỉ chỏ và la mắng nhau trong khu vực sân khấu. Với kinh nghiệm của mình tôi biết cách tổ chức nhóm đấy không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn được, đợi đến khi mọi việc rối tung cả lên tôi lại hỏi My (My vẫn chưa biết mặt tôi vì tôi đã không tham gia chính thức hoạt động khi em vào trường): "Em là ai? Việc cần làm sao không làm mà còn đứng đây chỉ đạo?". My trả lời rất tự tin và sốt sắng : "Em là Cán bộ Nguồn". Nói xong lại quay sang quát mắng chỉ đạo các bạn sinh viên khác. Tôi lên giọng quát: "Nguồn mà to à? Nguồn thì cũng phải xắn tay vào mà làm!". Dù thế nào cũng là sinh viên năm nhất, My không dám ý kiến gì và làm theo hướng dẫn của tôi.
2 năm sau đó, My trở thành lãnh đạo của một trong các CLB mạnh nhất trường và thỉnh thoảng cô bé vẫn nhắc lại câu chuyện bị tôi mắng. Nhờ lần ấy mà em không còn ảo danh để xắn tay vào công việc thực sự và đạt những thành quả thực sự cho cá nhân và tổ chức của mình.

Câu chuyện thứ 2 - Giám đốc trẻ
CEO là danh hiệu mỹ miều mà nhiều người ngưỡng mộ và mong muốn. Dĩ nhiên là CEO của các công ty lớn và thành công. Thế nhưng bỏ ra vài triệu làm giấy phép kinh doanh và thêm vài triệu để trang hoàng Văn phòng đẹp đẽ, một câu sinh viên đã có thể trở thành CEO nhưng giá trị của cậu đâu hơn một anh sinh viên nếu Công ty chưa tạo được giá trị cho xã hội.

Ngay sau khi ra trường, tôi lập công ty và trở thành Chủ tịch, kiêm CEO của Công ty. Vẫn tự nhắc mình là nó không có ý nghĩa gì trừ khi công ty thành công. Nghĩ là thế nhưng bản tính hiếu thắng của tuổi trẻ và sự tung hô của những người xung quanh làm cho tôi không thoát ra khỏi ảo danh và thất bại.
Khi ấy, 10 người tôi gặp trong vai trò công việc thì 9 người tỏ ra ngưỡng mộ tôi. Trong số đó có cả già trẻ, trai gái, đối tác, đồng nghiệp và bạn học cũ. Họ ca ngợi sự can đảm dám nghĩ dám làm của tôi, họ khen tôi có chí khí, họ muốn được như tôi ... đặc biệt khi họ cần nhờ tôi việc gì đó. Thường lúc đó, họ kèm theo câu Giám đốc trẻ mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm thì gì mà không được.
Được khen thế tôi thích thú vô cùng, từ việc tập trung gặp gỡ khách hàng để bán hàng, tôi chuyển sang hình ảnh của một giám đốc thành đạt, rong chơi và vĩ mô. Còn việc kiếm hợp đồng, chăm sóc khách hàng, kiểm tra việc sản xuất được chuyển cho nhân viên. Ai muốn hỏi gì tôi đều chuyển cho các nhân viên và trợ lý của mình.
Kết quả chỉ sau chưa đến 1 năm, Công ty không thể trụ lại thị trường. Tôi đóng cửa Công ty và vỡ tan "Ảo danh" đã có. Tôi bắt đầu lại từ đầu và hiểu rằng: giá trị của mình không phải ở chức danh mà ở chính cái mình tạo ra được.

Câu chuyện thứ 3 - Các giải thưởng
Tôi tham gia một số cuộc thi và cũng có một số giải thưởng nhất định. Bạn bè tôi từ các cuộc thi cũng nhiều, đặc biệt là các cuộc thi về kinh doanh. Một lần gặp gỡ, chúng tôi tổng kết là đa số các cá nhân được giải thưởng cao và tương đối cao đều không đạt được mục tiêu như đã kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra như:
- Ban tổ chức đem con bỏ chợ, không làm như cam kết
- Chúng ta còn trẻ
- Khủng hoảng kinh tế ...

Nhưng đằng sau lý do đó, còn có một lý do khác mà tôi cho là quan trọng hơn cả. Nó xuất phát từ trong chính những cá nhân đầy tiềm năng nhưng không có thái độ đúng đắn. Đó là ẢO DANH
Đa số trong các cá nhân được giải thưởng đều cho rằng, mình là người thành đạt và có giá trị. Cái Ảo danh về danh hiệu làm người ta trở nên sĩ diện và thiếu tinh thần chiến đấu.


Nhìn lại một số doanh nhân trẻ thực sự thành công, doanh nghiệp của họ kiếm ra tiền, tạo ra giá trị cho xã hội. Họ chưa bao giờ tham gia các giải thưởng hoặc các cuộc thi, họ chiến đấu, họ làm thực và không hề ảo danh. Tôi ngưỡng mộ họ.
Tôi hy vọng những câu chuyện trên sẽ nhắc tôi cũng như các bạn về giá trị của bản thân mình.
Chức danh không làm nên giá trị
Bằng cấp không làm nên giá trị  
Giải thưởng không làm nên giá trị

Chính chúng ta với đóng góp của mình cho xã hội và những kết quả thực đạt được qua công việc mới tạo nên giá trị của mình.

1 nhận xét:

  1. CEO là viết tắt của Chief Executive Officer, Execute nghĩa là thực hiện, là thi hành và dịch là Giám đốc điều hành. Thế mà nhiều bạn vẫn nghĩ là "người lãnh đạo cao nhất trong công ty hoặc tổ chức" (Yahoo Answer) thì có chết không cơ chứ. Executive và Leader đâu có giống nhau, Manager và Leader thì càng không.

    Cái mình mong muốn làm mà đến khái niệm còn nắm một cách mù mờ, không rõ ràng (chứ đừng nói đến đặc điểm công việc, quy trình thực thi) thì thành công thế quái nào được. Ôi 98%.

    Trả lờiXóa

Được tạo bởi Blogger.