Nghĩ về việc học

Nào dám bàn! Nghĩ thôi đã thấy mình liều lắm rồi :D


10 tuổi - Cha tôi dạy "Đi học có 3 dạng người: người học 1 biết 10, người học gì biết nấy, và người học mãi chả biết gì cả". Giờ nghĩ lại thấy câu nói này có hàm ý sâu xa về sự học và con người.
Nghĩ về sự học, tôi nghĩ đến 3 điều:
 - Mình học được cái gì? - Năng lực cá nhân
 - Mình nên học cái gì? - Mục đích học tập
 - Học rồi mình được cái gì? - Vai trò của sự học


Nhân chuyện GS Ngô Bảo Châu và niềm tự hào của người Việt Nam khắp các nẻo đường, tôi lại nghĩ về sự học. Xin được hầu chuyện các bạn vài dòng.


Năng lực bẩm sinh là HẠT GIỐNG
Người Việt Nam chúng ta tự hào về các Huy chương vàng toán học và Vật lý quốc tế. Kẻ bi quan thì bảo rằng, chẳng qua chương trình học phổ thông của ta nặng nên học sinh của ta nắm bắt được nhiều hơn mới được giải chứ trí tuệ Việt Nam cũng bình thường thôi.
GS Châu "bảo": KHÔNG ĐÚNG
Giải thưởng GS Châu nhận được lần này khẳng định như "Đinh đóng cột" về cốt cách trí tuệ của người Việt. Chúng ta có quyền tin và tự hào như thế.
Và như thế, chúng ta cũng khẳng định rằng: Tố chất là yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng cho thành công của mỗi người.
Điều đó hoàn toàn phủ nhận việc: GIÁO DỤC làm nên tất cả.
Càng phủ nhận mà các "Bát cháo cho tâm hồn" xui khiến: Nếu các bạn có NIỀM TIN mãnh liệt và QUYẾT TÂM cao, bạn sẽ đạt được mục đích bạn mong muốn. Quá lãng mạn!

Giáo dục là DINH DƯỠNG
Trở lại lời dạy của cha tôi. Cha tôi nói tiếp: "Con đừng coi mình là người học 1 biết 10 mà trở nên lười biếng, tự coi mình là người học gì biết nấy. Như thế vừa tự tin là mình học được, vừa khiêm tốn để luôn cố gắng".
Và như thế, tuổi học trò của tôi cứ kéo dài mãi đến tận bây giờ. Hàng ngày tôi vẫn học dù không ngồi ghế nhà trường. Thầy của tôi đến từ khắp 5 châu qua sách báo và đặc biệt là internet.
Những người thầy qua internet cho tôi nhiều thông tin và kiến thức quý giá.
Thầy qua sách cho tôi được chiêm nghiệm (một phần do tính chất của việc đọc sách).
Còn những người "thầy" tôi gặp gỡ trong cuộc sống dạy tôi cách hành động.

Trở lại câu chuyện của GS Châu, là người Việt Nam và mới nhập thêm quốc tịch Pháp, Giải thưởng GS Châu nhận được không chỉ là niềm tự hào của người Việt Nam mà còn của người Pháp. Đến tổng thống Pháp cũng đã nhanh chân hơn gửi lời chúc đến GS Châu trước cả người cùng cấp ở Việt Nam. Người Pháp có đang vơ vinh quang về họ?
KHÔNG. Nền giáo dục Pháp, đặc biệt là việc đào tạo Toán học Pháp đã là nguồn dinh dưỡng tốt cho Hạt giống Ngô Bảo Châu phát triển. Không phải GS mang quốc tịch Pháp mà người Pháp mới có quyền tự hào. Như thế chúng ta hiểu rằng, nếu đã tự hào về trí tuệ Việt Nam được "Nobel" toán học, thì người Việt cũng phải BIẾT ƠN người Pháp đã giúp GS Châu mang lại vinh quang cho Dân tộc Việt Nam.

HẠT GIỐNG có Ý THỨC
Đó là Năng lực của riêng con người. Ý thức của con người giúp cho con người biết lựa chọn mục đích tốt đẹp và biết sử dụng công cụ mình có được để đạt được mục đích của mình.
Nếu như giới sinh vật tự nhiên, từ cây cỏ đến giới động vật, động lực sống gần như duy nhất và cũng là mục đích sống của nó là sinh tồn và duy trì nòi giống. Con người qua các thế hệ đã hình thành nên ý thức khác biệt với phần còn lại của giới sinh vật. Con người biết sống vì các mục đích khác hơn ngoài sinh tồn và duy trì nòi giống. Trong cái khác hơn đấy có cái tốt đẹp và có cái xấu xa.

Nghĩ về sự học và mục đích sống của mỗi người, tôi nghĩ đến việc Chúng ta học cái gì?
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia tư vấn giáo dục và các thầy cô giáo khuyên các em học sinh nên chọn trường có điểm chuẩn vừa phải, đúng sức học của mình để có thể đỗ vào đại học (Nghĩa là có thể thành cử nhân đã!?). Điều đó đúng hay sai? Căn cứ vào mục đích của việc học và thi đấy cốt để có cái bằng thì sai. Sai vì:
Thứ nhất: Bằng cấp không đảm bảo là có việc và có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Tôi là người tuyển dụng cho doanh nghiệp, tôi không quan trọng bằng cấp vì kinh nghiệm tuyển dụng của tôi cho thấy bằng cấp không khẳng định được năng lực và sự phù hợp của ứng viên với công việc.
Thứ hai: Học cái mình không thích hoặc không học được là thảm họa mà tương lai các em phải gánh chịu. Vì không thích có làm việc cũng không hạnh phúc, nếu gắn bó cả đời với nghề mình không thích thì đó là gánh nặng, nếu bỏ đi học lại thì phí mất thời gian và tuổi trẻ.

Như thế, Ý THỨC nên nhắc nhở chúng ta là mình muốn đạt được mục tiêu gì? Và học cái gì để đạt mục tiêu ấy? Học như thế là học cho thực tiễn cuộc sống và là sự học trọn đời.


Câu hỏi cuối cùng khi nghĩ về sự học: Học rồi chúng ta được gì? 
Nếu chỉ học thôi đã đảm bảo một sự thành công thì cũng giống như cầm một cái cần câu mà nghĩ rằng có cần rồi chỉ cần ngồi chơi là sẽ có cá.
Học là sự trang bị kiến thức và kỹ năng để đạt mục tiêu. HÀNH ĐỘNG và chỉ có hành động mới là phương thức duy nhất để chúng ta đạt đến điều mà chúng ta mong muốn. Kiến thức và kỹ năng được học là công cụ của hành động.
Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ trong xã hội Việt Nam hiện tại, đang rơi vào "cái bẫy" HIẾU HỌC. Đầu tiên là "giờ bằng cử nhân được phổ cập, không có thì không xin được việc", chính vì thế nên học xong đại học mà chưa tìm được việc hoặc công việc chưa ưng ý sẽ lại nghĩ "Mình học chưa đủ, cần học thạc sỹ cho nó cao, khác biệt với phần còn lại thì mới thành công". Thế rồi họ học văn bằng 2, học thạc sỹ hoặc ra nước ngoài học. Khi học xong, họ làm những công việc không khác một cử nhân tích cực, thậm chí là "tú tài tự học". Giải thích duy nhất cho việc này là họ tích cực mua súng, tập bắn bia, nhưng không bao giờ dám vào rừng đi săn. 
Hệ lụy tồi tệ hơn của vấn đề này là sự bất mãn. Vì học cao và nhiều bằng nên làm việc bình thường thì thấy không xứng với trình độ, làm việc cao cấp thì họ không thực thế và không có kinh nghiệm nên chưa được làm. Phần nhiều trong số họ bất mãn vì cho rằng: thiên hạ không biết tài năng của ta! Thằng dốt thì làm sếp! Môi trường làm việc ở Việt Nam thật tệ ...
Xem ra họ có thể đúng phần nào đó, nhưng nhìn lại mục tiêu của họ khi đi học và cách họ dùng kiến thức và kỹ năng của họ thì sẽ thấy.
Học là trang bị. Hành động đúng đắn mới là phương thức để thành công.
Tôi còn nghĩ nhiều về sự học nhưng xin tạm dừng ở đây. 
Mong các anh chị em ngày đêm "Văn ôn - Võ luyện", mài sắc gươm đao để mai lại đi săn
Học trọn đời là luôn chịu đầu tư mua vũ khí mới, hiện đại hơn, hiệu quả hơn

Xin thỉnh giáo!

5 nhận xét:

  1. Đọc bài này thấy hay quá! Xin phép anh để em lấy public cho bạn bè cùng đọc cùng ngẫm. Nhiều bạn em vẫn đang để "mông tày" trên ghế nhà trường mà chưa biết mình đang đi về đâu. :) Mong rằng bài viết này giúp được nhiều cho các bạn ấy. ^_^ Bạn thân em cũng chiêm nghiệm ra được nhiều điều hay từ bài viết.

    Có điều này, 1 lần em nghe anh ĐứcĐQ cũng có nói về việc học. Anh nói là 1 số kiến thức nếu thấy thích thú muốn tìm hiểu thì cứ thoải mái đào sâu, tìm hiểu, đọc, học. Còn việc ứng dụng nó vào đâu hay ứng dụng như thế nào thì tính sau. Và em cũng thấy có đợt anh ấy còn say mê đọc tiểu thuyết. Học theo cách đó nó có tách biệt với thực tế quá ko anh? Và ngoài ra, nó có mâu thuẫn với điều anh nói là: "Học là trang bị. Hành động đúng đắn mới là phương thức để thành công" ko anh?

    Trả lờiXóa
  2. Nguồn lực (thời gian, tiền bạc, năng lực cá nhân) của chúng ta luôn hạn chế. Vậy nên chúng ta cần sắp xếp thứ tự ưu tiên cho việc sử dụng nguồn lực.

    Nếu tối nay em cần 1 bộ quần áo đẹp để đi chơi với người yêu, thì việc đọc sách giải trí sẽ không được ưu tiên bằng việc đi giặt quần áo!?

    Em có thể đọc rồi để đấy, có lúc nào đó sẽ dùng đến. Nhưng cái cần dùng cho ngày mai mà chưa có thì sẽ "chết" trước khi cần dùng đến cái "cứ đọc đi" đấy. Em sẽ lựa chọn thế nào?

    Trả lờiXóa
  3. Bài này có nhiều cách nhìn hay, nhưng một số điểm mình có ý kiến khác.

    Nếu ai đã từng thử wikipedia từ "learning" thì sẽ thấy ý nó nôm na là "một quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin mà đầu ra là sự thay đổi về nhận thức hoặc hành vi". Có 2 phânf rất rõ rệt : Là một quá trình xử lý thông tin, và sau đó là một quá trình tự thay đổi bản thân. Đầu ra và thước đo của học tập nếu không phải là thay đổi mình thì là gì?

    Vấn đề thứ hai là người ta hay nhầm lẫn giữa giáo dục, đào tạo và học tập. Theo rất nhiều tài liệu (chứ không phải theo mình), giáo dục đào tạo là 1 tập con của việc học tập. Về cơ bản Giáo dục = Học tập + giáo trình. Nói cách khác nó là formal learning, cho nên ví dụ về việc mua súng, tập bắn bia mà không vào rừng săn đó chỉ là Giáo dục mà thôi, chứ không phải học tập thật sự (informal learning).

    Trường học, hệ thống giáo dục (ở mọi quốc gia) đang ngày càng xuống dốc. Bây giờ đối với giáo viên, học tập chỉ còn tương đương với tiếp nhận và xử lý thông tin mà thôi, học tập thông qua giáo trình thì thậm chí còn tệ hơn thế.

    Đồng ý với bạn ở 2 điểm đầu, nhưng không đồng ý ở ý thức học và hành động. Nếu coi mục đích của việc học đó là thay đổi bản thân thì cái ý thức học kia coi xem như quá nhỏ bé, vì nội tại thay đổi bản thân nó đã bao hàm một ý nghĩa vô cùng to lớn rồi. So với học để thay đổi quan niệm về thế giới thì học để biết, học để làm hay học để kiếm sống rồi đều rất nhỏ bé. Vì theo định nghĩa đó, khi thành chuyên gia, có đời sống đầy đủ ta không cần học nữa hay sao?

    Một câu hỏi thú vị được đặt ra là "Thực hành hay làm có làm cho chúng ta thay đổi được thế giới quan của ta hay không?"

    Trả lờiXóa
  4. Có một tài liệu về "Natural Learning", tên là "Informal Learning: Rediscovering the Natural Pathways That Inspire Innovation and Performance". Có thể Google để biết thêm thông tin về quyển sách này, link down bản Tiếng Anh ở đây http://www.mediafire.com/?5cg7ql20ztaji

    Trả lờiXóa
  5. Sao anh không tiếp tục viết tiếp những bài viết như thế này nữa ạ? Thật tốt nếu nhiều người có thể đọc được những bài như thế này!

    Trả lờiXóa

Được tạo bởi Blogger.