Những nhà đạo đức giả?

Mỗi năm có ít nhất vài đợt mà đồng loạt báo đài, mạng xã hội đều lan truyền nhanh chóng các thông tin cứu trợ nông dân. Có những ngành hàng nông sản năm nào cũng thấy kêu cứu trợ do bị "tư thương, lái buôn" ép giá, bỏ hàng ....

Thế nhưng, cũng chính những trang báo ấy, họ vô tâm "hại" những người nông dân mà chỉ trước đó vài tuần họ lên tiếng bênh vực, ai oán khóc thương, kêu gọi mua hàng giúp.
Chuyện gì xảy ra vậy?
Tôi kể ra đây 1 chuyện vừa mới xảy ra thôi. Với Cam Vinh.

Với tựa đề: Cam Vinh thật hay giả? 
Tác giả bài báo dường như đang cứu giúp nông dân làm ăn chân thật, vừa là giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật hàng giả. Nhưng vô tình/ hoặc vô trách nhiệm, họ đã làm tổn hại đến những người làm ăn chân chính: Cam Vinh Kỳ Yến. Khi họ vô tư đăng ảnh minh họa có hình ảnh thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến.

Cam Vinh Kỳ Yến là ai?

Tôi biết bạn chủ thương hiệu này qua Facebook với rất nhiều trăn trở về cây trồng cho vùng quê Nghệ An. Rồi thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến ra đời, vườn cây cũng được đầu tư, điều chỉnh để có được các chứng nhận an toàn.
Một cô gái bé nhỏ, bụng mang dạ chửa mà chinh chiến khắp các hội chợ để giới thiệu đặc sản quê hương. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ Cam để khai thác hiệu quả và tăng giá trị cho cây cam.


Việc đó chẳng phải là điều mà nông dân ta còn thiếu hay sao?
Bao nhiêu nông dân phải bán rẻ thành quả của mình do chỉ bán nguyên liệu thô?
Cam Vinh Kỳ Yến thì khác, Le Na đã nghiên cứu và đưa ra thử nghiệm thị trường những sản phẩm có giá trị cao hơn từ Cam Vinh Kỳ Yến như: mứt vỏ cam, nước cam ép ....


Thế rồi 1 ngày, trong cái sự thật giả lẫn lộn, tòa báo đăng ảnh gian hàng Cam Vinh Kỳ Yến làm minh họa cho 1 bài báo lập lờ giả thật. Hỏi những người làm truyền thông, có phải họ vô tâm đến mức không nghĩ đến hậu quả gây ra cho thương hiệu này? hoặc họ không hiểu việc đăng ảnh trong trường hợp nhạy cảm này có thể gây hại? 
Dù thế nào tôi cũng đang giúp 1 tay để tòa soạn hạ ảnh đó xuống, và cũng chia sẻ tâm trạng với Le Na.
Nhân đây tôi cũng đưa vài ý kiến, hy vọng là gợi ý cho những người liên quan có thể thực hiện để giúp nông dân phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản

Vài ý tưởng giúp nông dân phát triển bền vững

  • Liên kết các chủ vườn, doanh nghiệp theo từng ngành hàng: cam, quýt, dưa hấu, thanh long .... nhằm tăng sức mạnh thị trường, điều tiết giả bán và sản lượng hàng năm. Việc này không mới trên thế giới. Liên kết dạng này nổi tiếng nhất là OPEC - Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Các nghiệp đoàn theo ngành hàng cũng rất phổ biến ở Nhật Bản. Nhưng liên kết dạng này vẫn vắng bóng ở Việt Nam. Trong quản trị kinh doanh, đây là mô hình 2C (corporation & competition) vừa hợp tác, vừa cạnh tranh 
  • Phát triển thương hiệu ngành hàng theo địa phương, giống hoặc theo quốc gia. Tổ chức liên kết thuê đơn vị tư vấn thương hiệu giỏi, có uy tín để nâng cao giá trị thương hiệu toàn ngành hàng, từ đó tạo giá trị cho từng thương hiệu thành viên. Việc thuê tư vấn thương hiệu cũng là cầu nối giúp các doanh nghiệp phòng tránh hoặc xử lý những "tai nạn" không đáng có như trong trường hợp trên
  • Tạo sàn thương mại điện tử cho ngành hàng: giúp chủ hàng kết nối trực tiếp với khách hàng có giá trị cao nhất (nhà bán lẻ, hoặc người tiêu dùng tập thể), giảm các kênh trung gian và chi phí bán hàng cho mỗi doanh nghiệp. 
  • Điều tiết sản lượng mỗi mùa: nông sản Việt Nam thường có điệp khúc "Được mùa, Mất giá". Vì 2 lý do: (1) nông dân không hiểu quy luật cung cấu: cung nhiều hàng ra thì giá giảm xuống; (2) không liên kết thông tin, ai cũng cố gắng làm ra nhiều để tối ưu sản lượng chứ không tối ưu lợi nhuận. Để tránh việc này, sự liên kết để điều tiết sản lượng rất quan trọng trong việc tăng sức mạnh thị trường của các nhà sản xuất, cung cấp nông sản. 
  • Chia sẻ bí quyết và công nghệ: cạnh tranh không chỉ là thắng và thua. Nếu các doanh nghiệp cùng ngành làm cho miếng bánh to ra, thì người thắng và thua trong ngành đều là người thắng, đều tăng doanh thu, lợi nhuận. Vì vậy, việc chia sẻ bí quyết và công nghệ trong ngành, ở một mức độ nhất định làm tăng năng lực, lợi thế cạnh tranh cho toàn ngành hàng là điều cần thiết. 
Lời cuối: thay vì nông dân thuần nông nghiệp, tôi hy vọng sẽ xuất hiện những "Doanh nhân nông nghiệp". Đó là các bạn trẻ đi học về khoa học công nghệ, marketing, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, thương mại quốc tế .... về với mảnh đất quê mình để tìm những giải pháp nâng cao giá trị nông sản quê hương. Làm nông như doanh nhân chứ không phải là kinh doanh như nông dân.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.