Mỹ rời TTP và hành động của chúng ta

Hào hứng hội nhập

Hội nhập quốc tế sâu rộng từ lâu đã trở thành ý tưởng khởi động cho sự hứng khởi đổi mới tại Việt Nam, nhất là sau thời gian dài trì trệ do kinh tế bao cấp.
Chính từ đó, trong các bài giảng từ các trường đại học đến báo chí, truyền hình đều nhấn mạnh từng chặng đường "hội nhập" thành công bằng các "hiệp định" được ký kết.
Điểm lại những mốc son hội nhập và hy vọng ... rồi thế nào thì xin mời các bạn tự đánh giá nhé!
  1. Gia nhập ASEAN
  2. Tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)
  3. Tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)
  4. Gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO
  5. Tham gia các Hiệp định thương mại/mậu dịch tự do (AFTA - AANZFTA - ACFTA - AIFTA - AKFTA ...)
  6. và gần nhất là đàm phán tham gia TPP
Tất cả đều đến mang theo hy vọng nhưng những hy vọng trên báo chí, truyền thông, trong các kế hoạch của doanh nghiệp ... mờ dần theo thời gian. 
Việt Nam vẫn phát triển, đời sống của dân vẫn tăng cao nhưng cùng theo đó là nợ công tăng cao.

Tăng trưởng bằng đầu tư công

Theo thống kê của Tổng cục thống kê, đầu tư công luôn chiếm phần lớn nhất trong 3 thành phần đầu tư: Kinh tế Nhà nước, Kinh tế ngoài nhà nước, Khu vực có vốn nước ngoài.
Tỷ lệ đầu tư công luôn ở khoảng trên dưới 40% trong suốt từ năm 1995 đến nay.

Tham khảo nguồn Tổng cục Thống kê:

Theo như bảng thống kê trích từ nguồn trên, đầu tư của Nhà nước chia làm 2 nhóm nội dung:
  1. Đầu tư phát triển
  2. Đầu tư phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội 

Theo như tôi hiểu, 2 mục trên không trùng với khoản Đầu tư của thành phần Kinh tế Nhà nước. Nếu như vậy, tổng giá trị mà ngân sách Nhà nước rót vào nền kinh tế hàng năm chiếm tỷ lệ rất lớn. 
Vì vậy, có thể kết luận, nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua phát triển bằng biện pháp tăng đầu tư công. 
Việc này đúng hay sai? Cơ bản là đúng! 


Khi các thành phần kinh tế tư nhân kiệt quệ sau bao cấp, đầu tư nhà nước là động lực chính để phát triển kinh tế. 
Vậy có điều gì sai trong chính sách phát triển hay vận hành kinh tế để dẫn đến hiện trạng không mấy khỏe mạnh của kinh tế Việt Nam. 

Lý giải sự yếu kém của kinh tế Việt Nam (đến 2016)

1. Bỏ lỡ phát triển kinh tế tư nhân qua cú hích đầu tư công

Đầu tư công nhằm kích thích sự phát triển nền kinh tế bắt đầu từ các khoản đầu tư vào hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), rồi đến y tế, giáo dục. 
Chu trình phát triển dựa vào đầu tư công sẽ theo trình tự như sau:
  1. Tư nhân không có vốn
  2. Nhà nước mua dịch vụ/sản phẩm từ tư nhân để tư nhân có vốn phát triển. Sản phẩm và dịch vụ được mua chính là xây dựng hạ tầng (điện đường trường trạm) và y tế - giáo dục
  3. Khi điện đường khá lên giúp lưu thông hàng hóa tốt hơn
  4. Khi tư nhân có lãi từ việc bán hàng cho Nhà nước, họ lấy lãi để tái đầu tư phát triển
  5. Y tế và giáo dục tốt lên, cung cấp nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân phát triển
  6. Kinh tế tư nhân phát triển, đóng thuế cho nhà nước, thu ngân sách nhà nước tăng lên bù vào khoản chi đầu tư ở bước 2 
  7. Nhà nước sử dụng ngân sách thu thuế hiệu quả để tái đầu tư vào các hạng mục phù hợp

Không nói đến việc quản lý không tốt các khoản chi ngân sách, dẫn đến đến thất thoát, tham nhũng mà chúng ta đang thấy được các cơ quan hành pháp và tư pháp điều tra, xét xử trong thời gian gần đây.
Tự nhìn lại những vấn đề đang tồn tại trong thành phần Kinh tế Tư nhân

Khối kinh tế tư nhân đã bỏ lỡ điều gì?

  1. Không dùng lợi nhuận để đầu tư phát triển (Thế nào là đầu tư phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân). Doanh nghiệp tư nhân không đầu tư xứng vào nghiên cứu khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu, hệ thống quản lý hiệu quả ... nên không có lợi thế cạnh tranh khi hội nhập kinh tế. Chính vì thế nên ta thua trên sân nhà và khó thắng ở sân khách. 
  2. Quá kỳ vọng vào sự "trường tồn" của ngân sách nhà nước nên không có phương án dự phòng. Khi ngân sách nhà nước khó khăn (giai đoạn này) thì các doanh nghiệp cũng lao đao do không có hợp đồng. 
  3. Không tham gia vào sự phát triển nguồn lực xã hội 1 cách có trách nhiệm. Giáo dục và Y tế là 2 mảng cơ bản để phát triển Nguồn nhân lực (sức khỏe và trí tuệ) nhưng trong hơn 20 năm phát triển kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp quan tâm nghiêm túc và có chiến lược dài hạn về việc phát triển y tế và giáo dục không nhiều. Chúng ta cũng không nên nhầm tưởng giữa việc thành phần kinh tế tư nhân đầu tư lập trường tư, bệnh viện tư nhưng ưu tiên thu lợi nhuận hơn phát triển con người, là chiến lược có trách nhiệm. Nhiều trường tư ra đời cũng chỉ nhằm mục đích "bán" bằng cấp mà thôi

Khi Nhà nước làm chưa tốt, cộng hưởng với sự mơ tưởng và thiếu trách nhiệm của khối tư nhân. Thì hiện trạng của chúng ta bây giờ không thể đổ lỗi cho ai. 
Chính chúng ta - thành phần kinh tế tư nhân - đã góp một phần không nhỏ vào sự tụt hậu của nền kinh tế. 
Chúng ta không thể so với Nhật - Hàn - Ấn Độ về đầu tư và hiệu quả đầu tư tư nhân về khoa học công nghệ. 
  • Nhật Bản: phát triển ô tô, radio, công nghệ kỹ thuật số
  • Hàn Quốc: phát triển ô tô, xây dựng, hàng điện tử, smartphone 
  • Ấn Độ: phát triển nguồn nhân lực CNTT để có những CEO công ty công nghệ toàn cầu có nguồn gốc từ Ấn Độ 
Xuất phát điểm của họ không hơn ta bao nhiêu, có khi còn thua ta.
Xã hội của họ cũng nhiều phức tạp.
Điều khác biệt rõ ràng nhất là Doanh nhân của họ đầu tư thời gian và tiền bạc vào những thứ khác ta rất nhiều. 

2. Trông chờ sự trợ giúp từ bên ngoài hơn tự thân phát triển

Cứ mỗi lần có tin có khoản vay ODA hoặc viện trợ nước ngoài là cộng đồng doanh nghiệp lại âm ỉ sung sướng. Chả sướng thì sao? Có vốn vay là Nhà nước lại chi tiền vào các dự án, doanh nghiệp lao vào kiếm lợi nhuận từ ngân sách nhà nước.
Cứ mỗi lần có tin gia nhập các cộng đồng, hiệp định kinh tế thì lại lao xao. Chả lao xao thì sao? Cả một thị trường rộng lớn trước mặt để thu Đô La, Ơ Rô về kia mà ....
Nhưng cuối cùng, dường như đâu vẫn vào đấy. 
Việt Nam ta đã chính thức xuất khẩu lao động sang cả Lào rồi.
Ta reo hò với hội nhập nhưng ta không đủ sức hội nhập. Yếu thì đâu có ra gió được. Lại luẩn quẩn quanh bầu sữa "ngân sách". Khi hết sữa là khóc.

Tôi không có số liệu chính xác về việc đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân vào các hàng mục sau:
  1. Khoa học công nghệ: sản phẩm là bằng phát minh, sáng chế, sản phẩm độc quyền
  2. Thương hiệu quốc tế: thương hiệu có uy tín quốc tế
  3. Hệ thống quản lý: phần mềm, công nghệ, quy trình ...
Do đó tôi không thể kết luận 1 cách chính xác về "sức mạnh" doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng tôi và nhiều người có thể thấy: 
  1. Nhiều doanh nghiệp lớn không có sản phẩm độc đáo của riêng mình
  2. Nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam chủ yếu kinh doanh Bất động sản và có quan hệ kinh doanh dự án của nhà nước đầu tư

Hành động của chúng ta

Không bao giờ là muộn, dù chậm chân nhưng không làm thì chúng ta sẽ tiếp tục yếu thế.
  1. Tự tìm đường. Không chờ, Không đòi Nhà nước cứu trợ
  2. Đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D)
  3. Đầu tư vào hệ thống quản lý tăng hiệu quả và năng suất
  4. Đầu tư liên kết với các trường học để phát triển nguồn nhân lực 
Tôi ghi ra và sẽ phân tích cụ thể hơn về hành động trong những bài viết tiếp theo. 

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.